Feeds:
Posts
Comments

Archive for the ‘Review’ Category

Đề kỳ 2 là một đề có lẽ là ban đầu khiến mình suy nghĩ đau đầu để tìm nhân vật nhất, nhưng sau khi tranh luận với bạn mình về loại nhân vật này. Mình chợt nhận ra một nhân vật không thể hợp hơn cho kỳ này. Phải cám ơn “đại thần” Revo đã làm một trò đặc sắc như vậy với cái plot để mình có thể hiểu sâu về nhân vật này hơn : )

Favourite Characters Challenge

Đề kỳ 2: Nhân vật mà bạn cho rằng nên chết hơn là sống
——————————————————-


source hình: pixiv

Elisabeth von Wettin
From: Märchen – Nein (Sound Horizon)

Trước khi bắt đầu, mình sẽ làm rõ là đây là nhân vật mình thích = ))). Và mình đã nghĩ rất nhiều, vì mình không hề nghĩ mình có quyền quyết định ai sống hay ai chết cả. Và mình cũng không hề muốn Elisabeth chết. Nhưng mình vẫn quyết định chọn cô ấy vào phần này. Vì sao thì mọi người có thể đọc bài = ))).

1. Background cơ bản của Elisabeth.

Elisabeth là một đứa trẻ sinh ra thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng vừa sinh ra đã chết và bị đem đi chôn. Mẹ cô không tin là cô chết nên lúc nửa đêm đã cùng người hầu đào xác cô lên, đem đến chỗ nữ thông thái sống trong rừng sâu để nhờ bà chữa trị cho cô bé. Và nữ thông thái đã chữa trị được cho cô bé thật. Nhưng sau đó thì Elisabeth luôn bị nhốt trong phòng mình và không được ra ngoài. Giống như một chú chim bị nhốt trong lồng. Cho nên cô bé không có lấy một người bạn.

Cho đến một ngày, cô bé gặp được một người bạn đầu tiên. Đó là März, chính là con trai của nữ thông thái sống trong rừng, người phụ nữ đã cứu sống cô bé. März xuất hiện bên khung cửa sổ phòng Elisabeth như một ánh trăng, rồi đưa cô bé ra khỏi phòng, cho cô bé biết đến thế giới bên ngoài, làm bạn với cô bé. Rồi đến một ngày, März phải cùng mẹ rời đi vì người ta kết tội mẹ cậu là phù thủy. Trước khi März rời đi, cậu xin mẹ đến gặp Elisabeth. Elisabeth trao cho cậu con búp bê của cô và nói với cậu mỗi khi thấy nó hãy nhớ tới cô và hãy hứa là sẽ quay về gặp cô. März đồng ý. Trớ trêu thay, lúc trở về thì März bị 2 tên thợ săn phù thủy lừa dắt về nhà, sau đó cậu bị giết, quăng xác xuống giếng còn mẹ cậu bị bắt đem thiêu.

Nhớ đến lời hứa với Elisabeth, linh hồn của März nhập với linh hồn tà ác Ido ở trong cái giếng mà cậu rơi xuống, và trở thành Märchen. Märchen không nhớ mình là ai, anh chỉ có một bản năng duy nhất là phải trả thù. Thế là anh đi giúp các nàng công chúa trong chuyện cổ tích trả thù.

Elisabeth lớn lên và biết được tin là März lẫn mẹ cậu đã chết. Và rồi cô bị anh trai ép buộc phải kết hôn với một tên quý tộc khác mà cô không yêu.

Đến đây thì câu chuyện có hai hướng là story trong Märchen và trong Nein. Giải thích ra thì rất là lằng nhằng nên mọi người có thể hiểu đơn giản 2 story này giống 2 lựa chọn của Elisabeth trong 2 thế giới song song.

2. Câu chuyện của Märchen

“Nếu phải sống cùng thứ tình yêu giả tạo,
thì thà rằng chết đi mà chung thủy với sự thật.”

“Chú chim trắng trong lồng đem lòng yêu ánh trăng trên cao.
Dẫu biết sẽ mãi bị giam cầm dưới mặt đất,
Vẫn tiếp tục vỗ cánh không mệt mỏi cho đến tận phút cuối.”

Trong câu chuyện của Märchen, Elisabeth đã lựa chọn nhất quyết không chịu kết hôn với tên quý tộc mà thà chết cũng chung thủy với tình yêu của mình. Do đó, anh trai cô đã tức giận mà đóng đinh cô lên cây thánh giá. Cô chết và hóa tượng, được mọi người tôn là thánh nữ bị đóng đinh. Sau đó thì Märchen đã tìm tới cô để giúp cô trả thù. Nhưng khác với tất cả các cô công chúa từng được Märchen giúp trả thù, Elisabeth đã từ chối với lý do đây là cuộc sống của cô và cô không có gì hối tiếc cả, nhưng cô rất vui vì März đã đến gặp cô dù cho có biến thành thế này. Sau khi ôm lấy anh thì cô siêu thoát và Märchen cũng nhớ ra hết mọi chuyện. Sau đó anh cũng siêu thoát.

3. Câu chuyện trong Nein

“Cả cuộc đời tôi bị giam hãm trong một chiếc lồng chim bé nhỏ,
Và tôi đã không thể phá vỡ chiếc lồng ấy bằng ý chí của mình.
Thế rồi, tôi bị vứt bỏ như một thứ hàng lỗi vô dụng.”

“Nhưng chúa ơi, tình yêu là để phục vụ cho mục đích gì?
Quan hệ máu mủ tồn tại vì ai?
Chúa ơi, cuộc sống này tồn tại vì điều gì?
Tình mẫu tử tồn tại vì ai?”

Trong Nein thì Elisabeth đã chấp nhận kết hôn với tên quý tộc kia để không phải chết. Nhưng sau đó cô không thể sinh con cho nên bị chồng bỏ và trở thành nữ tu trong tu viện. Bởi vậy, cô bị người ta dè bỉu và cho là một ví dụ xấu cần tránh. Dù vậy, cô vẫn tiếp tục sống và chăm sóc cho 3 đứa trẻ tật nguyền bị cha mẹ bỏ rơi. Cô vẫn cảm thấy đây là cuộc đời mà mình đã sống và không có gì hối tiếc, chỉ là mỗi khi nhìn lên ánh trăng, cô lại thấy hơi buồn mà không rõ vì sao.

4. Cảm nhận về Elisabeth

“Tôi không có gì phải hối tiếc cả.
Đây là cuộc đời của riêng tôi.
Không phải người dòng họ von Wettin hay von Saschen/Không phải thánh nữ hay phù thủy.
Tôi chỉ là Elisabeth mà thôi.
Chỉ là một người quá yêu người./Chỉ là một người dành tình thương yêu cho những cảnh ngộ bất hạnh trong cuộc sống.”

Elisabeth là một nạn nhân điển hình của chế độ xã hội thời đó. Một phụ nữ không được tự lựa chọn số phận của mình. Cách duy nhất để cô thoát khỏi chiếc lồng định kiến đó là chết hoặc cứ để nó nhốt lấy cô suốt đời và phải nằm trong sự điều khiển của nó. Tuy nhiên, trong số phận bi thương đó, Elisabeth vẫn biết cách để sống một cuộc đời mà cô có thể mãn nguyện vì nó.

Thật sự mình tôn trọng quyết định của Elisabeth bất kể cô chọn sống hay chết. Vì đến cuối thì Elisabeth vẫn cảm thấy đó là cuộc đời mà cô đã lựa chọn và cô không hối tiếc điều gì. Và mình rất thích Elisabeth ở điều này.

Nếu cô chọn cái chết chung thủy với tình yêu của mình thì cô đã cứu được một người nhạc công nghèo, và cứu được người cô yêu. Nếu cô chọn sống cuộc sống của mình và trở thành nữ tu thì cô đã trao tình thương 3 đứa bé đáng thương. Khi Elisabeth chọn cái chết, cô có thể chung thủy với thứ tình yêu của riêng mình và giữ lời hứa để gặp lại người cô yêu. Khi Elisabeth chọn cuộc sống, dù định mệnh đã tước đi của cô khả năng làm mẹ, nhưng lại cho cô 3 đứa con ngoan.

Dù lựa chọn thế nào, Elisabeth đã làm rất tốt và mình không có gì để phản nàn cả. Elisabeth là người đầu tiên dạy mình những về thứ tình yêu một cách rất đơn giản. Lựa chọn của cô là đúng hay sai? Đối với mình thì không có lựa chọn nào là sai cả. Quan trọng là cô muốn sống vì điều gì thôi.

5. Vậy tại sao Elisabeth nên chết hơn là nên sống?

Thật ra thì nếu chỉ nói riêng câu “Elisabeth có nên chết không?” thì mình sẽ trả lời là “không”. Nhưng nếu bảo mình chọn cho Elisabeth route Märchen hay route Nein thì mình sẽ chọn route Märchen. Tức là mình chọn cái con đường mà Elisabeth phải chết đi. Tại sao hả? Cái này là do cảm xúc cá nhân thôi. Đơn giản vì so với cứu 3 đứa trẻ kia thì mình muốn Elisabeth cứu Märchen hơn. Có vậy thôi. Nếu Elisabeth không lựa chọn cái chết chung thủy với tình yêu của cô thì cô sẽ không thể gặp Märchen. Và như vậy, Märchen sẽ mãi mãi lang thang với ý định giúp người ta trả thù mà không thể siêu thoát. Cho nên, mình vẫn mong hai người có thể gặp được nhau hơn. Vì dù sao, vì nhớ tới lời hứa với Elisabeth mà März mới biến thành như vậy. Cho nên, giữa 2 câu chuyện trên, mình vẫn thích lựa chọn của Elisabeth trong Märchen hơn dù lựa chọn đó khiến cô phải chết.

Shiro Sou, 26/6/2019

Read Full Post »

Đây là series bài review mình viết khi tham gia challenge viết về một nhân vật bạn yêu thích do các bạn mình ra đề. Series này giờ mọi người đã không chơi nữa. Nhưng mình muốn lưu lại bài nên sẽ lưu lại trên blog này. Trong kỳ đầu tiên này, đề được ra là “nhân vật phụ yêu thích”, cho nên mình đã loại toàn bộ các nhân vật chính, thứ chính và cả phản diện chính ra khỏi danh sách.

Favourite Characters Challenge

Đề kỳ 1: Nhân vật phụ yêu thích
———————————————

“Có hai người đàn ông đi chung 1 con đường trong 10 năm, nhưng họ lại tìm ra hai chính nghĩa hoàn toàn khác nhau. Vậy nên nếu tôi đi lang thang 10 năm, có lẽ tôi sẽ tìm ra chính nghĩa của mình.”

– Seta Soujirou (manga/anime: Rurouni Kenshin) –

. Thật ra nhân vật này cũng có lẽ không cần phải giới thiệu nhiều nữa vì phần lớn mọi người đều biết đến bộ Rurouni Kenshin rồi. Thiên kiếm Seta, một người trong nhóm “thập kiếm” của Shishio Makoto – một trong các nhân vật phản diện chính của truyện. Shishio Makoto thu thập 10 nhân tài để giúp hắn khởi nghĩa chống lại chính phủ Minh Trị, và việc của nhân vật chính, Kenshin, trong arc này, là ngăn chặn cái nhóm này.

Để giới thiệu về Seta thì cũng không có gì nhiều ngoài một thiên tài kiếm thuật với một tuổi thơ bất hạnh, được nhân vật phản diện cứu (hay đúng hơn là dạy cho cách tự cứu sống bản thân) và đi theo nhân vật phản diện, một tuýp nhân vật thường thấy. Cuối cùng cậu ấy bị nhân vật chính, Kenshin, đánh bại và sau khi Makoto bị đánh bại thì cậu quyết định bỏ đi lang thang tìm kiếm chính nghĩa của bản thân.

. Cái khiến mình chú ý đến Seta đầu tiên là nụ cười. Seta luôn giữ một nụ cười lịch sự, tỏ vẻ không có gì nguy hiểm nhưng sẵn sàng xuống tay giết người mà vẫn giữ vững nụ cười thân thiện đó. Cái dạng nhân vật lúc nào cũng cười nhưng thật ra nội tâm phức tạp và ký ức đau khổ, khi bị vạch mặt hay khi nhắc đến ký ức đau khổi của mình thì mặt họ sẽ đổi sắc, tỏ vẻ nghiêm túc hơn, hoặc cười nhạt đi, hoặc nổi giận… chắc không còn xa lạ nữa(như chính nhân vật chính Kenshin) . Nhưng Seta thì không. Kể cả khi nhắc về quá khứ đau khổ ấy, cậu ta vẫn cười như thể trên mặt Seta không thể có một biểu hiện nào khác. Và nụ cười đó không phải để che giấu sự đau khổ như tuýp nhân vật mà ta thường thấy. Nụ cười đó là biểu hiện của việc Seta đã từ bỏ suy nghĩ và cảm xúc của chính bản thân.

. Thật ra thì ngay từ nhỏ Seta đã luôn cười như thế rồi. Dù nụ cười lúc nhỏ mang một ý nghĩa khác. Seta là đứa con hoang của một thương nhân bán gạo. Không ai biết người mẹ của cậu ra sao. Nhưng cậu được nuôi dạy trong gia đình mình như một người ở. Cả gia đình đều bắt nạt cậu, bắt làm việc nặng nhọc. Và mỗi khi cậu làm sai gì sẽ bị đánh đập thậm tệ. Một cuộc sống bi kịch mà bất cứ đứa trẻ nào gặp phải cũng sẽ khóc lóc van xin tha thứ. Nhưng Seta thì sớm nhận ra rằng nếu cậu càng khóc lóc van xin thì họ sẽ càng thấy thích thú mà đánh cậu hơn thôi. Vì thế cậu chọn cách mỉm cười khi bị đánh đập, tin rằng nếu làm thế họ sẽ chán mà tha cho cậu. Trong suốt thời gian đó, Seta không chống trả lại họ, vì đơn giản như tất cả những đứa trẻ sinh ra ở tầng lớp thấp kém, cậu cho rằng đó là số phận của cậu rồi và cậu phải chấp nhận nó thôi.

Cho đến một ngày, Seta tình cờ thấy Shishio Makoto, kẻ cuốn băng đầy người đang bị cảnh sát truy đuổi, vừa giết một cảnh sát. Và Makoto đã định thủ tiêu cậu nhưng khi thấy cậu cười hắn lại để cho cậu sống. Seta giữ Makoto trong kho gạo nhà mình, cung cấp cho hắn lương thực và thuốc. Khi gia đình Seta phát hiện ra, họ đổ cho cậu tội cấu kết với tội phạm, làm xấu mặt gia đình và đòi giết cậu. Trong cơn sợ hãi tìm cách sống sót, với thanh kiếm nhận từ Makoto, và nhớ đến chính nghĩa mà Makoto dạy mình, Seta đã tàn sát cả gia đình mình. Sau đó thì cậu đi theo Makoto.

Ban đầu mình chú ý đến Seta vì mình muốn biết lý do đằng sau nụ cười kia. Sau đó thì mình biết được quá khứ đau đớn của Seta và cuộc gặp gỡ với Makoto thì mình cũng chỉ nghĩ à ra là một nhân vật có dark past : )). Lúc đó, Seta, kẻ chưa từng biết đến chính nghĩa trong đời mà chỉ có thể cam chịu cuộc sống cực khổ của mình, đã chấp nhận toàn bộ chính nghĩa mà Makoto truyền cho cậu. Có thể ban đầu cậu còn do dự suy nghĩ, nhưng ngay ở khoảnh khắc cao trào khi cả gia đình đòi giết cậu thì sự đau khổ đã khiến Seta quyết định từ bỏ suy nghĩ và phụ thuộc toàn bộ vào chính nghĩa của Makoto.

“Kẻ mạnh mới được quyền sống còn kẻ yếu phải chết.”

Sau khi Seta giết cả gia đình mình, Makoto có hỏi: “Cậu đang khóc hả?” và Seta trả lời: “Không” với một nụ cười. Ban đầu mình không thể hiểu Seta cảm thấy gì khi đó, nhưng sau thì mình nhận ra đó là lúc cậu đã quyết định từ bỏ suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Lúc đó, mình đột nhiên muốn dõi theo đứa trẻ này và mong muốn nó phải sống. Vì mình không muốn nó từ bỏ suy nghĩ của bản thân mãi như thế. Cũng không muốn nó vừa nhận ra cái chính nghĩ đó là sai lầm thì sẽ chết ngay. Những kẻ khác có thể ngộ nhận một chân lý sai lầm. Còn Seta thậm chí còn không phải là sự ngộ nhận sai lầm, mà cậu đã hoàn toàn từ bỏ việc suy nghĩ đâu là đúng, đâu là sai, phó mặc toàn bộ suy nghĩ của mình cho Makoto. Nhưng kẻ từ bỏ suy nghĩ và lựa chọn của mình, phó mặc cho kẻ khác thì vốn đã không còn sống nữa rồi. Và mình chỉ muốn đứa trẻ đó “sống lại” thôi.

Trận chiến với Kenshin chính là cái nút gỡ cần thiết. Seta cuối cùng cũng thú nhận vào cái đêm mà cậu đã giết hết cả gia đình mình, cậu đang cười nhưng thật ra cậu chỉ muốn khóc, cậu không phải muốn giết họ. “Phải, đây rồi.” là điều mình đã nghĩ. “Cuối cùng thì cậu đã suy nghĩ lại được rồi, Seta.” Suy nghĩ và lựa chọn không bao giờ là dễ dàng. Nhưng không thể để người khác suy nghĩ hộ cậu được đâu. Chính nghĩa nghe thật đơn giản, nhưng hai con người kia đã đi được mười năm mới tìm ra chính nghĩa của bản thân. Chỉ sau một hai trận đấu thì cậu không thể vay mượn chính nghĩa của họ được đâu. Có lẽ đó chính là điều mà Seta nhận ra sau trận chiến với Kenshin.

Và một điều khác mình thích ở Seta đó là dù Kenshin đã phá vỡ tượng đài chính nghĩa mà Makoto đã xây lên trong cậu, nhưng Seta vẫn không phản bội Makoto. Cậu vẫn chỉ cho Yumi đường tắt và nhắn cô nói với Makoto về bí mật cậu đã nhận ra về chiêu thức của Kenshin. Nó làm nên phẩm chất của một samurai trong con người cậu. Cho dù cậu không hề xuất thân từ một gia tộc samurai, mà xuất thân từ một tầng lớp thấp kém theo cái thang phân cấp thời đó. Nó cho mình cảm giác cùng với tài năng kiếm thuật của cậu, cái tinh thần samurai đã chảy sẵn trong huyết quản của đứa trẻ này mà không cần biết đến cái người ta gọi là giai cấp.

. Seta có lẽ không phải là một dạng nhân vật nổi bật tạo nên một chính nghĩa hay có một câu nói hay bất hủ nào, cũng không phải dạng nhân vật vươn lên sau đau khổ. Đa phần những người thích Seta có lẽ vì bộ dạng dễ thương, tài năng kiếm thuật hay quá khứ đau khổ đáng thương. Cái mình thích ở Seta có lẽ lại chẳng phải một trong ba cái đó. Mà thật ra đến giờ mình vẫn tự hỏi có phải mình thích Seta không hay chỉ là mình muốn dõi theo Seta thôi.

Nhưng nếu Kurogane Yaiba trong bộ Yaiba của Gosho Aoyama là người đưa mình đến với kiếm đạo, thì Seta Soujiro này chính là lý do mà đến giờ mình vẫn không thể từ bỏ kiếm đạo được. Vì một câu nói của cậu ấy.

“Có hai người đàn ông đi chung 1 con đường trong 10 năm, nhưng họ lại tìm ra hai chính nghĩa hoàn toàn khác nhau. Vậy nên nếu tôi đi lang thang 10 năm, có lẽ tôi sẽ tìm ra chính nghĩa của mình.”

Một senpai trong đạo trường từng bảo mình rằng mỗi người sẽ tự tìm ra cái gọi là “kiếm đạo” của riêng bản thân họ. Và sau này mình sẽ tự tìm ra kiếm đạo cho cho chính mình. Nhưng trong lúc mình tập luyện, mình vấp ngã và chẳng biết sẽ phải tìm ra kiếm đạo của mình như thế nào. Dù vậy, mỗi khi mình nghĩ đến chuyện từ bỏ, mình lại nhớ đến Seta. Nghĩ đến đứa trẻ đã vấp ngã và từ bỏ suy nghĩ của bản thân 10 năm kia đột ngột đứng dậy và tiếp tục bỏ ra 10 năm để tìm kiếm chính nghĩa của chính mình, thì làm sao mình có thể bỏ cuộc trong việc tìm kiếm đạo của bản thân khi mình mới vấp ngã một hai lần được. Ít ra thì mình cũng chưa dành ra tới mười năm cho nó, sao có thể từ bỏ qua sớm vậy.

Shiro Sou, 19/6/2019

———————————————–

Ngoài lề, ngoài cái câu khắc cốt ghi tâm ở trên, mình có nhớ mang máng mấy câu mình thích nhưng vì không nhớ rõ lắm nên phải đi gg lại bản tiếng Anh và tự dịch ra thành thế này đây:

“Ngài Shishio đã trao cho tôi một thanh kiếm, và nếu không có thanh kiếm đó thì tôi đã không còn sống đến ngày hôm nay. Ngài ấy cũng khiến tôi nhận ra rằng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Nếu tôi không giết họ thì họ sẽ giết tôi. Nhưng sự thật là tôi thật sự chưa bao giờ muốn giết ai cả.”

“Kenshin, anh là một kẻ khó chịu hơn ngài Shishio nhiều. Vì anh chẳng chịu để cho tôi chọn lấy câu trả lời dễ dàng.”

——-

Read Full Post »